Ngành Luật Kinh tế không còn là ngành mới mẻ mà đã trở thành xu hướng tìm kiếm thông tin của khá nhiều thí sinh trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển tiến tới hội nhập toàn cầu. Sự sinh sôi nảy nở của các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ kéo theo nhu cầu cần thiết của các chuyên viên ngành Luật Kinh tế để có thể theo dõi, giám sát đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp luôn tuân thủ tốt nhất quy định về hành lang pháp lý trong kinh doanh.
Ngành Luật Kinh tế là gì?
Ngành Luật kinh tế chính là ngành học về cách thức nghiên cứu và áp dụng kiến thức luật pháp mà nhà nước quy định đối với lĩnh vực kinh tế, thương mại. Tham gia học ngành này, kỹ năng nghề nghiệp sinh viên cần đạt được sau khi tốt nghiệp đó là am hiểu các kiến thức về Luật pháp và áp dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách hợp pháp và thỏa đáng nhất.
Ngành Luật Kinh tế học những gì?
Để đem đến cho sinh viên cơ hội nghề nghiệp tốt nhất khi tham gia học ngành Luật Kinh tế, các trường luôn chú trọng đào tạo cho sinh viên những kỹ năng cần thiết. Theo đó để trở thành một trong những ứng cử viên ưu tú cho ngành này, trong quá trình đào tạo sinh viên cần phải siêng năng, cần mẫn, ham học hỏi, quan sát, tìm hiểu để có thể nắm vững các kiến thức sau:
Về chuyên môn luật pháp
– Các kiến thức về Luật: Luật hiến pháp, Luật hành chính, luật thương mại, luật hình sự, Luật lao động, Luật tố tụng,…
– Các kiến thức trong lĩnh vực kinh tế: Kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, Quản trị học,…
Đối kiến thức chuyên ngành này, sinh viên không những phải ghi nhớ mà còn phải biết hình dung cách vận dụng luật vào trong đời sống thực tiễn để có thể tiếp thu kiến thức chuyên sâu nhất. Tham gia các phiên tòa giả định tại trường là một trong những cách hiệu quả để vận dụng kiến thức.
Về Kiến thức bổ trợ
Thành công của ngành này không chỉ phụ thuộc vào kiến thức chuyên môn của bạn mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tưởng như không liên quan mà lại rất liên quan sau:
– Kỹ năng mềm: Kỹ năng đàm phán, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng xử lý tình huống,…. Đối với ngành Luật kinh tế thì các Kỹ năng mềm này trở thành một phần trong kỹ năng giải quyết công việc Thiếu các kỹ năng này, bạn có có thể giải quyết tình huống trong công việc một cách trôi chảy.
– Khả năng tiếng Anh: Sinh viên sẽ được học các học phần anh văn từ anh văn đại cương đến tiếp xúc với anh văn chuyên ngành để xử lý tài liệu, văn bản có yếu tố nước ngoài.
– Kỹ năng tin học: bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại, ứng dụng những phần mềm tốt nhất phục vụ cho công việc.
Cơ hội việc làm ngành Luật Kinh tế
Với sự phát triển rầm rộ các doanh nghiệp như hiện nay, các bạn ứng viên ngành Luật kinh tế không cần phải quá lo lắng về cơ hội nghề nghiệp của bản thân. Các doanh nghiệp đều mong muốn phát triển một cách bền vững trên nguyên tắc tôn trọng pháp luật nên luôn tìm kiếm chuyên viên Luật kinh tế đảm nhiệm nhiệm vụ tư vấn, xử lý các sự việc liên quan đến luật pháp của doanh nghiệp mình. Không chỉ là ứng viên tiềm năng đối với các doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp ngành Luật Kinh tế còn có nhiều cơ hội việc làm rộng mở.
Nếu đã tích lũy được vốn kiến thức kha khá về ngành này, các bạn có thể ứng tuyển với các vị trí công việc sau:
– Chuyên viên tư vấn pháp lý tại các doanh nghiệp, phân tích, giải quyết các vấn đề kinh tế gặp phải trong quá trình phát triển kinh doanh.
– Chuyên viên lập pháp, hành pháp, tư pháp trong các văn phòng, tổ chức, cơ quan nhà nước thực thi pháp luật.
– Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp luật tại các văn phòng luật sư, tổ chức pháp luật.
– Chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý của luật sư.
– Chuyên viên tư vấn về vấn đề tài chính, đầu tư, hỗ trợ khách hàng.
– Tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục có đào tạo Ngành Luật Kinh tế.
Kinh tế đất nước ngày càng phát triển, tiến trình hội nhập ngày càng được thúc đẩy một cách mạnh mẽ nên Ngành Luật Kinh tế trở thành ngành được dự đoán thu hút lượng lớn nhân sự trong tương lai. Theo Thông tin từ Bộ Tư pháp, từ nay đến năm 2020, ước tính chỉ riêng các chức danh liên quan đến tư pháp, Việt Nam cần khoảng 13.000 nhân sự, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên và chuyên viên làm công tác thừa phát lại. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho các bạn thí sinh yêu thích ngành Luật Kinh tế và có thể lựa chọn cho mình một trường uy tín để đầu tư cho tương lai.