Cơ hội nghề nghiệp
Thị trường lao động 2020 “khát” Luật sư
Theo thông tin của Bộ Tư pháp, đến năm 2020, ước tính chỉ riêng các chức danh tư pháp, thị trường lao động VN sẽ cần khoảng 13.000 luật sư, 2.300 thẩm phán, 2.000 công chứng viên, 3.000 chấp hành viên, 300 thẩm tra viên thi hành án dân sự và thừa phát lại.
Những số liệu trên dự kiến sẽ còn tăng khi tính đến lượng công chức làm việc tại các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp.
Đời sống con người dù ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều cần đến pháp luật, có pháp luật thì mọi thứ mới có thể vận hành một cách chính xác, nghiêm ngặt, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của toàn xã hội. Do đó, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, chuyên ngành Luật rất được đề cao và được xem là một ngành học danh giá mà bất cứ sinh viên nào cũng mơ ước.
Sự bùng nổ của ngành Luật kinh tế
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó; hiện nay chuyên ngành Luật kinh tế đang là mục tiêu hướng đến của rất nhiều bạn trẻ nhưng để thực sự trở thành một luật sư kinh tế giỏi, nhận được sự tín nhiệm của nhiều doanh nghiệp thì lại là một quá trình “dài hơi”. Do đó, tuy có nhiều sinh viên theo học nhưng nguồn nhân lực của chuyên ngành này trên cả nước vẫn còn thiếu hụt rất nghiêm trọng.
Theo giám đốc của một công ty nhân sự, ở Việt Nam hiện nay các chuyên ngành Luật đang ngày càng khẳng định tầm quan trọng; đặc biệt là ngành Luật kinh tế.
Với quá trình hội nhập diễn ra ngày một mạnh mẽ, nền kinh tế nở rộ với sự xuất hiện của hàng loạt các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngay lúc này, hàng lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế đang rất được quan tâm.
Pháp luật chính là công cụ bảo hộ ưu việt, góp phần duy trì sự ổn định, an toàn và mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động của các công ty, doanh nghiệp. Giúp trang bị những kiến thức cần thiết nhất về pháp luật trong và ngoài nước, có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với sự phát triển mạnh mẽ hay suy yếu của bất cứ cơ sở kinh doanh nào.
Cơ hội nghề nghiệp “ngút ngàn”
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật kinh tế, các sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí cũng như nhiều tính chất công việc khác nhau, vô cùng đa dạng:
– Chuyên gia tư vấn pháp lý, phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh, các hoạt động kinh doanh và đảm bảo các hoạt động của tổ chức đúng chủ trương, chính sách của nhà nước và các công ước quốc tế có liên quan đến lĩnh vực kinh tế
– Chuyên viên thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư hoặc người hành nghề luật sư
– Chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp trong các tổ chức dịch vụ pháp luật
– Chuyên viên tư vấn tài chính, hỗ trợ khách hàng
– Nghiên cứu, giảng dạy về pháp luật kinh tế.