Kiến thức kỹ năng
Những lưu ý khi sinh viên ngành Luật đi thực tập
Dù bạn học bất kì chuyên ngành nào, thời gian thực tập cũng là thời gian vô cùng quan trọng. Giai đoạn thực tập, sẽ giúp các bạn ứng dụng những kiến thức đã được học trên giảng đường trong suốt thời gian qua vào thực tế, không chỉ vậy đây còn là thời gian để các bạn tìm tòi, học hỏi quy tắc làm việc của một công ty hay doanh nghiệp từ đó mà có được những kinh nghiệm quý báu khi đi làm sau này.
Sinh viên ngành Luật đi thực tập cũng không ngoại lệ, dưới đây sẽ là những lưu ý dành riêng cho các bạn sinh viên ngành Luật khi đi thực tập.
Đúng thời điểm
Sinh viên ngành luật thì hầu hết ai cũng muốn đi thực hành, đi kiến tập để học hỏi kinh nghiệm thực tế, cũng là để trải nghiệm với nghề mà mình đang theo học. Nhưng lựa chọn thời điểm nào là thích hợp cũng là một điều rất quan trọng.
Nhiều bạn lựa chọn đi thực tập ở các văn phòng, công ty luật rất sớm. Sớm đến mức các bạn còn chưa kịp trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng cho việc tập sự, thực hành nghề. Chính vì vậy, khi đến với cơ quan bạn chẳng biết gì cả, chẳng làm được gì cả ngoài việc pha trà, rót nước…Bạn sẽ bị chán nản, dễ bỏ cuộc. Dĩ nhiên, nơi tiếp nhận bạn cũng chẳng thích thú gì.
Thực tập muộn quá thì dĩ nhiên cũng không hay rồi. Bởi muộn có nghĩa là bạn chậm hơn so với người khác. Thua trời một vạn không bằng kém bạn một ly. Khi lũ bạn đã có kinh nghiệm đầy mình roài mà ra trường ta vẫn bỡ ngỡ, vẫn kinh nghiệm bằng không thì cũng thật đáng lo ngại.
Vậy chọn thời điểm nào là đúng, thích hợp nhất để kiến tập, thực tập hành nghề. Theo đúng lộ trình của nhiều trường đại học thì ít nhất bạn phải học xong 3 năm của bậc đại học. Khi mà về cơ bản bạn đã hiểu thế nào là học luật, điều luật và các vấn đề cơ bản của ngành luật, có khả năng tư duy, phân tích về luật.
Chọn nơi thực tập
Đây cũng là một yếu tố rất quan trọng. Hầu hết sinh viên luật hiện nay đi thực tập theo cơ chế tập thể. Rủ nhau đi cho vui, cho có bạn, có bè hoặc theo sự phân công của trường, khoa mà ít tìm hiểu đơn vị mình đến thực tập thế nào? Mình có học được gì không? Người hướng dẫn mình là ai?
Nếu vậy thì bạn sẽ chỉ có thể gặp may nếu bạn có một nơi thực tập tốt mà thôi. Hãy tìm hiểu trước đơn vị mà mình thực tập, nếu phải thực tập nhóm thì cũng nên chọn những người có cùng sở thích, cùng đam mê với mình để lựa chọn nơi thực tập phù hợp với sở thích đam mê đó.
Chọn thầy hướng dẫn
Cái này dễ mà không hề dễ. Vì phần lớn các bạn sinh viên không được lựa chọn được người hướng dẫn. Cái này thường do đơn vị tiếp nhận chỉ định hoặc phân công. Thế nhưng, nếu có thể hãy tìm hiểu trước người sẽ dẫn dắt, chỉ dạy mình là ai.
Thầy dạy quyết định 80% tiếp thu của bạn trong quá trình thực tập. Họ có nhiệt tình, có khả năng truyền đạt kiến thức, chia sẻ kiến thức cho bạn hay không mới thực sự là quan trọng. Đôi khi người thực hành nghề luật giỏi đều chưa chắc đã là những người thầy có tâm và là người thầy giỏi.
Cố gắng học hỏi và không đòi hỏi
Thái độ của bạn sẽ quyết định những gì bạn xứng đáng được hưởng. Hãy luôn nhớ khẩu quyết này khi bạn đi thực tập. Sự cầu thị, chăm chỉ của người thực tập, kiến tập là rất quan trọng. Và bạn hãy cố gắng luôn giữ thái độ này trước những người đi trước, kể cả là những nhân sự đang làm ở nơi bạn tập sự. Có như vậy bạn mới nhận được sự chỉ bảo tận tình nhất.
Không nên quá quan trọng hóa vấn đề tiền bạc. Lúc này bạn là người đang thực tập, là người cần kiến thức và kinh nghiệm chứ không phải là kiếm tiền.
Trên đây là những lưu ý cho sinh viên ngành Luật đi thực tập, ngoài ra bạn còn nên chú ý đến trang phục khi đi thực tập nó cũng sẽ là một điểm cộng rất lớn giúp bạn nhận được thiện cảm từ những người dưới dẫn tại cơ sở bạn thực tập đấy nhé.