Kiến thức kỹ năng
Điều kiện, tiêu chuẩn để được bổ nhiệm công chứng viên
Xã hội đang ngày càng phát triển, từ đó dẫn đến những yêu cầu về phẩm chất và trình độ của một công chứng viên ngày càng phải được nâng cao hơn. Để được công nhận là một công chứng viên và trở thành chủ thể trực tiếp hành nghề công chứng, một người cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định. Cụ thể tại Điều 8 Luật Công chứng 2014, một người muốn được bổ nhiệm làm công chứng viên thì phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
+ Là công dân Việt Nam và có đăng ký thường trú ở Việt Nam: Điều kiện đầu tiên để một người có thể được bổ nhiệm làm công chứng viên ở Việt Nam, đó chính là người đó phải là công dân Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú, sinh sống công tác, làm việc, học tập ở Việt Nam và có đăng ký thường trú, một người nước ngoài thì không thể trở thành công chứng viên ở Việt Nam được.
+ Luôn tuân thủ Hiến pháp và quy định của pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt: Do công chức viên là người có vai trò quan trọng và phải chịu trách nhiệm đảm bảo cho tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng, sự công bằng trong giao dịch đó và kể cả việc bảo quản hợp đồng, phòng ngừa tranh chấp. Như vậy, một công chứng viên phải là người nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật và phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, tư tưởng vững vàng để đảm bảo tính pháp lý của các giao dịch giữa các bên.
+ Có bằng cử nhân tốt nghiệp chuyên ngành Luật: Bằng cử nhân này có thể có từ các cơ sở đào tạo luật trên cả nước, hoặc từ các trường đào tạo đại học có khoa Luật ở trong đó và có đủ điều kiện để cấp bằng cử nhân luật cho học viên.
+ Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên: sau khi tốt nghiệp và có bằng cử nhân luật, người này phải có thời gian công tác trong các cơ quan, tổ chức hành nghề luật, hay bất cứ văn phòng luật nào với thời gian từ 05 năm trở lên để có kinh nghiệm làm việc và được đối mặt với các tình huống thực tế cần vận dụng quy định của luật.
+ Đã tốt nghiệp khóa đào tạo công chứng: đây là khóa đào tạo để các ứng viên có thể nắm được nghiệp vụ của một công chứng viên một cách bài bản nhất, cũng như được trang bị các kiến thức cần thiết để vào nghề này. Đối với những trường hợp được luật quy định là không cần tham gia khóa đào tạo này thì cần phải hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng. Các trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng đó là:
Người đã có kinh nghiệm làm kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán từ 05 năm trở lên.
Luật sư đã có nhiều hơn 05 năm thời gian hành nghề.
Tiến sĩ hoặc giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật.
Các đối tượng đã là kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
+ Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng: Đạt yêu cầu ở đây có thể được hiểu là phải có Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng bất kỳ.
Tố chức hành nghề công chứng này có thể là do người đó tự liên hệ để tập sự. trong trường hợp không liên hệ được thì có thể đề nghị Sở tư pháp ở địa phương giới thiệu và bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện. Sau tập sự này, người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
+ Đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng: người hành nghề công chứng phải đảm bỏ điều kiện sức khỏe tốt để có thể đảm nhận công việc do nghề nghiệp yêu cầu.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế đang phát triển theo định hướng kinh tế thị trường, lĩnh vực công chứng đã chính thức được xã hội hóa, thì cùng với sự phát triển về số lượng, những yêu cầu về chất lượng, mà trong đó yếu tố năng lực và yếu tố đạo đức của các công chứng viên buộc phải đặt ra một cách cấp bách và phải thực thi một cách triệt để. Hi vọng thông qua bài viết này, các bạn sinh viên ngành Luật sẽ nổ lực hơn trong con đường học tập của mình.