Hậu quả pháp lý đối với kẻ vu khống

Vu khống thường được hiểu là hành vi bịa đặt, lan truyền những điều mà bản thân biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hay gây tổn hại đến quyền cũng như lợi ích hợp pháp của người khác hoặc là hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo trước các cơ quan có thẩm quyền.

Giải quyết pháp lí đối với hành vi vu khống

Tội vu khống người khác được quy định cụ thể tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung bởi điểm e Khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Thứ nhất, các yếu tố cấu thành tội vu khống người khác

Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội vu khống có các dấu hiệu sau:

Về hành vi: Gồm một trong các hành vi sau đây:

        Có hành vi bịa đặt: Hành vi này thể hiện qua việc người phạm tội đã tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng với sự thật và có nội dung xuyên tạc.

        Có hành vi lan truyền những điều biết rõ là bịa đặt: hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội tuy không đặt ra những điều không đúng sự thật về người khác nhưng biết rõ điều đó là bịa đặt nhưng vẫn lan truyền điều bịa đặt

        Có hành vi bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền: được thể hiện qua việc tự mình bịa ra rằng người khác có hành vi thực hiện một tội phạm nào đó và tố cáo họ trước cơ quan Nhà nước, mặc dù thực tế người này không phải là người thực hiện những hành vi phạm tội đó.

Về hậu quả: Vu khống người khác gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Khách thể: Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân.

Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Chủ thể: Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Đối tượng bị vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người mà là con người cụ thể.

Các yếu tố cấu thành tội vu khống và mức án phạt

Thứ hai, về hình phạt

Mức hình phạt đối với tội phạm này được chia thành ba khung, cụ thể như sau:

Trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan thì người phạm tội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Mức phạt tù từ một năm đến ba năm được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

        Có tổ chức;

        Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

        Đối với 02 người trở lên;

        Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

        Đối với người đang thi hành công vụ;

        Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

        Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

        Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

Mức phạt tù từ ba năm đến bảy năm được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

        Vì động cơ đê hèn;

        Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

        Làm nạn nhân tự sát.

Hình phạt bổ sung: Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội vu khống người khác còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.