Cơ hội nghề nghiệp
Xin việc ngành Luật có thật sự khó khăn?
Trong thời đại ngày nay, khi mà các giá trị quyền con người được tôn vinh và trong bất kỳ một lĩnh vực nào của đời sống cũng cần đến sự hỗ trợ pháp lý thì hoạt động của nghề Luật sư với sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội được coi là một đại lượng để đánh giá uy tín và chất lượng của hoạt động tư pháp, là một tất yếu cho sự phát triển của Đất nước trong dòng chảy của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo thông tin từ Bộ tư pháp, cho đến năm 2020, chỉ riêng các chức danh tư pháp cần tới trên 20.000 nhân sự và chắc chắn theo thời gian, con số này sẽ còn tăng lên nữa. Điều này đã cho thấy nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực cho ngành luật từ đó tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho những sinh viên theo học Ngành Luật. Trả lời được câu hỏi “ngành Luật làm nghề gì khi ra trường?”.
Khác với những chuyên ngành Luật khác như Luật kinh tế, Luật Thương mại, Luật dân sự,.. thì khi theo học ngành Luật học, sinh viên sẽ được cung cấp kiến thức Luật bao quát ở hầu hết các lĩnh vực.
Không chỉ riêng kiến thức về Kinh tế, Tài chính, Thương mại, ngành Luật học còn cung cấp kiến thức về luật hôn nhân gia đình, quy định chung về tài sản, thừa kế, luật hình sự phần tội phạm, luật môi trường, tội phạm học, bồi thường hợp đồng, tranh chấp thương mại, khiếu nại, tố cáo, khoa học về điều tra hình sự, quyền con người, quyền công dân,…
Được trau dồi các kỹ năng như khả năng lập luận, phân tích thuyết phục cũng như biết cách vận dụng ngôn ngữ và phân tích những tình huống phức tạp để có thể dễ dàng thích ứng trong từng công việc khác nhau sau khi tốt nghiệp.
Từ thực trạng nguồn nhân lực cho Ngành Luật đang khan hiếm đã nói ở trên, sinh viên học Luật sau khi ra trường, có một nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc, đồng thời đáp ứng được đầy đủ về những tiêu chuẩn theo quy định ngành nghề thì hoàn toàn có thể tìm được một công việc hấp dẫn với mức lương lý tưởng.
Một số vị trí công việc dành cho sinh viên tốt nghiệp Luật học có thể kể đến như:
– Công chứng viên: Là những người Tư vấn và thẩm định công chứng cho khách hàng; Công chứng và chịu trách nhiệm về Hợp đồng giao dịch, hồ sơ theo quy định Pháp Luật; Soạn thảo và tư vấn các vấn đề về pháp lý; Hỗ trợ việc soạn thảo, thẩm định tính pháp lý của các hợp đồng, thỏa thuận, hỗ trợ luật sư trong các hồ sơ tranh chấp.
– Kiểm sát viên/công tố viên: Thực hiện công việc Kiểm tra, giám sát việc khởi tố các hành vi phạm tội hay buộc tội, các hoạt động điều tra từ đó đề xuất hình phạt thích hợp; Kiểm tra, giám sát hoạt động xét xử, việc chấp hành pháp luật của mọi người, quyết định của thẩm phán, Tòa án.
Tham gia điều tra, truy tố tội phạm, nếu kết quả điều tra không hợp lý, Công tố viên có quyền lật lại vụ án và yêu cầu điều tra lại từ đầu; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi và quyết định của bản thân; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát.
– Thư ký tòa án: Thực hiện Ghi chép biên bản diễn biến phiên tòa; Quản lý và sắp xếp hồ sơ; Kiểm tra danh sách và phổ biến nội quy phiên tòa với những người được triệu tập; Làm rõ lý do của người vắng mặt và báo cáo với Hội đồng xét xử.
Hỗ trợ thẩm phán trong việc tiến hành các công tác liên quan tới quá trình giải quyết vụ án: hướng dẫn đương sự bổ sung thông tin, chứng cứ, ghi chép biên bản các phiên hòa giải…
– Giảng viên ngành Luật: Giảng dạy các bộ môn Pháp Luật tùy theo từng ngành như Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh tế,… Giảng dạy các môn về Dân sự, Tố tụng dân sự, hình sự; Đánh giá rèn luyện sinh viên; thực hiện các công tác học vụ.
Ngoài ra, hiện nay có nhiều văn phòng luật sư và nhiều phòng công chứng tư nhân được mở ra cũng tạo nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Luật.
Pingback: Học ngành Luật và cơ hội việc làm | Ngành Luật