Áp lực của nghề Thẩm phán

Thẩm phán chính là người được nhân danh Nhà nước khi xét xử. Thẩm phán thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, vì vậy được nhân dân tôn trọng. Do đó, được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán là niềm tự hào, là mục tiêu mà hầu hết những công chức trong ngành Tòa án đều phấn đấu để đạt được. Và càng có trọng trách cao cả thì áp lực cũng là điều không thể tránh khỏi.

Được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán là mục tiêu mà những công chức trong ngành Tòa án phấn đấu để đạt được.

Được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán là mục tiêu mà những công chức trong ngành Tòa án phấn đấu để đạt được.

Áp lực đầu tiên là chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án. Vì không có nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử đã dẫn đến chất lượng xét xử không cao, thậm chí sai lầm có thể xảy ra. Hậu quả của những bản án không khách quan, không đúng pháp luật rất phức tạp. Trước hết là những quy định ngày càng chặt, đòi hỏi ngày càng cao mà ngành Tòa án đặt ra, Thẩm phán xử sai có thể bị phê bình, tạm đình chỉ, đình chỉ công tác xét xử, không được tái bổ nhiệm khi hết nhiệm kỳ, tùy theo tính chất mức độ sai phạm.

Hiện nay đời sống kinh tế, xã hội phát triển đa dạng, nhiều tranh chấp trước đây chưa từng có đã xuất hiện, tội phạm hình sự cũng phức tạp hơn trước rất nhiều… đòi hỏi Thẩm phán phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nắm bắt được những thay đổi lớn trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.

Nếu họ không cập nhật kiến thức, cập nhật thông tin thì khi giải quyết vụ án dễ dẫn đến sai lầm. Thẩm phán rõ ràng không chỉ nắm vững pháp luật đơn thuần, chưa kể hệ thống pháp luật ngày càng đồ sộ, nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Áp lực nâng cao năng lực đối với Thẩm phán không nhỏ.

Áp lực đối với Thẩm phán còn đến từ đương sự. Thực tế cho thấy những vụ án hình sự, nhất là những vụ án phạm tội có tổ chức, Thẩm phán có thể bị đe dọa, bị trả thù nhưng những vụ án dân sự còn gây bức xúc cho đương sự gay gắt hơn. Đã có Thẩm phán bị trả thù tàn độc bởi những đương sự thua kiện.

Hơn nữa, Thẩm phán, gia đình Thẩm phán hiện nay chưa có chế độ bảo vệ. Trong khi đó, sau khi kết thúc phiên tòa, trở về với cuộc sống thường nhật, Thẩm phán cũng như mọi người  khác, phải đối diện với áp lực cơm áo, gạo tiền. Lương Thẩm phán sơ cấp hiện nay, trung bình khoảng 6 triệu đồng, Thẩm phán trung cấp 8 triệu đồng và Thẩm phán cao cấp trên 10 triệu đồng. Rõ ràng, mức thu nhập quá thấp, không đáp ứng đủ các nhu cầu của gia đình.

Áp lực thu nhập là một thách thức của Thẩm phán hiện nay.

Áp lực thu nhập là một thách thức của Thẩm phán hiện nay.

Tuy nhiên, bên cạnh người bỏ cuộc vẫn có những Thẩm phán đang gắn bó với ngành, vượt qua những áp lực để hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm chất lượng xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện… Có thể thấy rằng để trở thành Thẩm phán không hề dễ dàng và phải vượt qua rất nhiều áp lực. Tuy nhiên, điều này cũng là rất hợp lý đối với một nghề có tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội.