Những quyền của người bị tạm giữ

Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 được ban hành ngày 25/11/2015 và chính thức có hiệu lực ngày 01/01/2018. Một trong những nội dung quan trọng được quy định tại văn bản này là quy định về quyền của người bị tạm giữ.

Những quyền của người bị tạm giữ

Những quyền của người bị tạm giữ

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người bị tạm giữ có quyền được biết lý do, không buộc phải nhận có tội. Theo điều 59 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, người bị tạm giữ bao gồm: người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang; bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú… Người bị tạm giữ có 7 quyền:

– Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;

– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;

– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.

Bên cạnh đó, người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật này và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Điều 116 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam quy định: Trong 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, cơ quan điều tra phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.

Trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài, cơ quan thực thi phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt. Nếu việc thông báo cản trở truy bắt người khác hoặc cản trở điều tra, sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay.

Mặt khác, điều 22 cho phép người bị tạm giữ được có quyền gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm thăm gặp.

Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.

Tuy vậy, để bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì quyền lợi chung của toàn xã hội, pháp luật nước ta đã hạn chế một số quyền nhất định đối với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhất là những hành vi phạm tội như sẽ bị tạm giữ, tạm giam hoặc bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác…

Song, đối với họ vẫn được bảo đảm một số quyền cơ bản như được bảo vệ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm và các quyền khác không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng. Do vậy, việc bảo vệ quyền con người trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự cũng là một trong những nội dung cần hướng tới trong cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay.