Kiến thức kỹ năng
Vai trò của ngành Luật kinh tế trong thời đại 4.0
Đứng trước xu thế hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, hiện nay quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng phát triển mạnh mẽ. Trên đà phát triển đó, thị trường Việt Nam đòi hỏi phải có một hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ cùng với đó là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, là cầu nối giữa các doanh nghiệp thậm chí là giữa nền kinh tế của quốc gia này với nền kinh tế của quốc gia khác.
Được xem như “người phán xử” của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hội nhập, ngành Luật kinh tế ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng của mình trong việc duy trì, vận hành quan hệ kinh tế; từ đó trở thành sự lựa chọn đầy triển vọng cho nhiều bạn trẻ đang tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp trong thời buổi hiện nay.
Luật kinh tế – nền tảng cho quá trình hội nhập thành công trong thời đại 4.0
Quá trình hội nhập luôn bắt đầu từ hội nhập kinh tế, do vậy, sở hữu cho mình một hệ thống pháp lý chặt chẽ cùng đội ngũ những luật sư kinh tế lành nghề sẽ là điều kiện vô cùng cần thiết để thị trường Việt có thể đứng vững giữa những tổ chức quốc tế như: WTO, AEC,…
Dù hoạt động ở bất kỳ lĩnh vực nào, các doanh nghiệp Việt đều cần có một bộ phận pháp lý, đảm bảo tốt về mọi mặt trong hoạt động kinh doanh, đồng thời là người đưa ra những chiến lược để cạnh tranh lành mạnh, phát triển vững chắc cho doanh nghiệp. Đặc biệt, những doanh nghiệp hay tập đoàn nước ngoài nếu muốn tham gia vào thị trường kinh doanh Việt hầu như đều phải cẩn đến nhân sự pháp lý Việt để thuận lợi gia nhập “sân chơi” kinh tế.
Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt đang cần đến một lượng lớn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực pháp lý. Theo đó vị trí của các Cử nhân Luật kinh tế ngày càng trở nên vô cùng đa dạng, họ có thể đảm nhận nhiều vị trí với những tính chất công việc khác nhau, chẳng hạn như:
Chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp, Chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý tại các Tổ chức dịch vụ pháp luật, Văn phòng luật sư, Chuyên viên lập pháp, hành pháp, tư pháp trong các cơ quan nhà nước,… Ngoài ra, những bạn trẻ có năng lực làm việc độc lập còn có thể thử sức với vị trí Tư vấn viên tài chính – pháp lý độc lập.
Yêu cầu nào dành cho những Luật sư kinh tế tương lai?
Khi thị trường đi vào quá trình hội nhập, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi, nếu bạn thực sự muốn trở thành một Luật sư kinh tế tương lai thì đam mê không thôi thì chưa đủ, bạn còn phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định để có thể trở thành một luật sư giỏi.
Đầu tiên, Luật kinh tế là chuyên ngành mang đặc thù của một ngành nghề thuộc lĩnh vực pháp lý, người làm nghề luật luôn phải đối diện với những mặt trái của đời sống kinh tế. Chính vì vậy bạn cần có một bản lĩnh vững vàng để bỏ qua được mọi cám dỗ. Đây là tố chất bẩm sinh nhưng cũng đồng thời được phát triển trên nền tảng trải nghiệm của bản thân người học với ngành học của mình.
Ngoài ra, tư duy logic, năng lực phản biện là những đặc thù của một Luật sư cần có. Những kỹ năng mềm bổ trợ như giao tiếp, thuyết phục, phân tích vấn đề,… đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp luật sư, chuyên viên pháp lý trao đổi được với thân chủ, ban quản trị của mình, giúp tạo dựng niềm tin, bảo vệ tốt thân chủ trong bất kì tình huống nào.
Luật kinh tế ra đời là để duy trì, giải quyết cho những tranh chấp trong kinh doanh, thương mại đồng thời đảm bảo tính hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh, giao thương với các doanh nghiệp khác trong và ngoài nước. Với thời đại 4.0 như hiện nay, sự du nhập của nhiều nền văn hóa, nhiều “làn sóng” kinh doanh với là điều tất yếu, theo đó yêu cầu về một người Luật sư giỏi, hiểu rõ về những pháp quy, nguyên tắc kinh doanh là việc tối cần thiết ngay lúc này nếu muốn nền kinh tế Việt phát triển hơn nữa trong mai sau.