Tin tức
Cô giáo bắt học sinh quỳ trong lớp có vi phạm Luật hay không?
Trong khi nhiều người cho rằng bắt học sinh quỳ trong lớp là hình phạt không phù hợp, ảnh hưởng tâm lý học sinh, thì cũng có những ý kiến “ngày xưa bị thầy cô đánh, phạt mới nên người”. Câu hỏi đặt ra là phạt học sinh quỳ có trong quy định của ngành giáo dục và hành động của cô giáo có bị xem là hành vi phạm Luật hay không?
Phạt học sinh quỳ có bị xem là hành vi phạm Luật hay không?
Để có những nhận định và đề xuất thật chính xác, hợp lý, hợp tình đối với sự việc đã nêu, chúng ta cần phải nhìn nhận một cách khách quan, toàn diện và thấu đáo. Trong nền giáo dục của Việt Nam, việc giáo viên phạt bắt quỳ đối với học sinh có hành vi vi phạm kỷ luật trong lớp học cũng không phải là quá hiếm. Các ý kiến bình luận cũng đã được nêu ra với hai hướng khác nhau đã được đề cập ban đầu.
Thứ nhất, ta nhìn nhận thực trạng ở lớp học mà giáo viên này phụ trách, lâu nay đã có một nhóm học sinh chưa ngoan, như thầy hiệu trưởng đã phản ánh: “có một số học sinh nghịch, hay nói chuyện trong lớp, mất gốc về kiến thức…”. Đây là một thực tế mà bất kỳ giáo viên nào phụ trách lớp đau đáu tìm cách để dạy dỗ các học sinh thuộc diện “cá biệt” này.
Thứ hai, qua thông tin mà công luận phản ánh, cách thức, biện pháp để dạy dỗ các học sinh này đã dành được sự quan tâm không chỉ của giáo viên mà còn của các phụ huynh. Giữa giáo viên và phụ huynh đã có sự trao đổi, bàn bạc về biện pháp xử lý đối với những học sinh “cá biệt” này.
Đã có một phụ huynh trực tiếp thừa nhận mình đã có đề nghị sau khi nghe giáo viên trình bày về tình trạng học tập của con mình rằng: “nếu cháu không chịu nghe lời, cô giáo cứ phạt quỳ trước lớp chứ không cần nói nhiều”. Nói gì thì nói, đây cũng là một đề nghị, kiến nghị của phụ huynh, góp phần tác động và chi phối hành vi của giáo viên khi xử phạt học sinh.
Thứ ba, thực trạng giáo dục, dạy dỗ học sinh phổ thông ở Việt Nam lâu nay, chúng ta cũng không thể thoát ly hoàn toàn khỏi nhận thức cũng như cách thức xử lý đã và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam.
Ở Việt Nam, bố mẹ được dạy dỗ, đánh mắng con cái trong nhà, chỉ trừ những trường hợp thật sự cá biệt và nghiêm trọng thì cơ quan nhà nước mới vào cuộc để xử lý, còn phần lớn quan niệm chung của xã hội vẫn cho rằng đó là việc nội bộ của gia đình, của bố mẹ đối với con cái, không có chuyện như ở một số nước, khi có sự việc xảy ra thì công an can thiệp ngay.
Cũng như mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, nhận thức cũng như thực trạng xử lý mối quan hệ này còn bị chi phối khá sâu đậm nhận thức cũng như cách thức xử lý đã tồn tại khá lâu trong xã hội Việt Nam của các bậc tiền bối trong hàng trăm năm trở lại đây.
Theo đó, việc giáo viên xử phạt bằng các hình thức tương tự như bắt quỳ, dùng thước kẻ đánh vào tay đối với học sinh cá biệt, phạm lỗi… tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không hề xa lạ và cũng không bị dư luận quy vào loại hành vi vi phạm nghiêm trọng, buộc cơ quan công quyền phải vào cuộc để xử lý, trừ những trường hợp có hậu quả nghiêm trọng.
Đó chính là thực trạng trong nhận thức và ứng xử hàng ngày ở Việt Nam từ trước đến nay. Thực trạng này, là một tồn tại khách quan, chi phối, tác động đối tới một bộ phận không nhỏ giáo viên cũng như phụ huynh, học sinh trong xã hội.
Quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, điều đáng tiếc là Nhà nước chưa có quy định cụ thể về các hành vi tương tự trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và cũng chưa có các chế tài cụ thể để xử lý khi có hành vi xảy ra. Đây cũng là điều rất đáng lưu ý khi hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục – đào tạo hiện nay.
Từ những phân tích nêu trên, đối với vấn đề này, chúng ta cần căn cứ vào tất cả các yếu tố có liên quan để cân nhắc, xác định việc xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thế nào cho “thấu tình, đạt lý”, “có lý, có tình” đối với sự việc đã xảy ra.