Đâu là điểm yếu của sinh viên ngành Luật?

Ngày nay, các bạn trẻ theo học ngành Luật đã có nhiều hơn những cơ hội hội nhập và phát triển; họ năng động, trẻ trung và dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với những tri thức khoa học – công nghệ mới của nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sinh viên ngành Luật vẫn còn rất nhiều điểm yếu cần phải khắc phục. Những yếu điểm này xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nhìn chung chúng đều có thể được sửa chữa.

Sinh viên ngành Luật vẫn còn rất nhiều điểm yếu cần phải khắc phục

Chưa có tinh thần tự học tốt; còn tư duy: Điểm, chứng chỉ và bằng

Sinh viên hiện nay đôi khi họ học luật chỉ vì tấm bằng (cũng như toàn xã hội), thành ra học phải “sưu tầm” cho đủ điểm, mong muốn của họ không phải là học cái gì mà mong học cho đỗ. Ngoài ra, sự tự học của nhiều bạn cũng chưa cao. Nhiều học trò chỉ muốn điểm cao, chỉ lo sưu tầm đủ chứng chỉ để có được tấm bằng đại học, nhưng họ không để tâm rằng bản thân đã thu lượm được cái gì trong quá trình học.

Tuy nhiên tôi cũng thấy rằng nếu có những động lực thì các em cũng có thể học nhóm rất tốt. Nhiều sinh viên năm thứ hai, thứ ba nhưng năng lực hùng biện rất tốt, khả năng thuyết phục đôi khi tốt hơn nhiều giáo viên.

Học không đi đôi với hành

Học luật cũng giống như học để thành một bác sĩ. Nếu bác sĩ chữa bệnh cho người thì luật học giúp xác định tội và nói về số phận con người cũng như tham gia vào việc giải quyết các xung đột xã hội.

Thế nhưng, sinh viên Luật hiện nay vẫn phần nhiều học lý thuyết chứ ít khi được thực hành. Có lẽ là không nhiều số sinh viên được va vấp và trực tiếp giải quyết các vụ việc trong đời sống thực tiễn khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thậm chí điều này còn hạn chế với ngay cả với những sinh viên mới ra trường.

Nguyên nhân chủ quan là do ở Việt Nam sinh viên luật là thế hệ vừa học xong lớp 12, tuổi đời còn quá trẻ, thụ động nhiều trong xã hội.

Nhưng khách quan mà nói, bản thân các cơ sở đào tạo hiện nay chưa tạo ra được nhiều cơ hội cho sinh viên ngành luật thực hành. Trong khi đó, sinh viên một số ngành khác được tham gia trực tiếp vào máy móc, thiết bị như khối học kỹ thuật, hóa học.

Sinh viên Luật hiện nay vẫn phần nhiều học lý thuyết chứ ít khi được thực hành

Trau dồi tư duy phản biện

Học luật mà không có tư duy phản biện các vấn đề phát sinh hàng ngày trong đời sống xã hội thì coi như bạn chưa học luật.

Trên lớp có thể nhiều sinh viên không đặt vấn đề nhưng trong quán cafe, trên forum, blog… thì chúng ta có thể nhìn thấy không ít những ý kiến khác nhau. Xã hội nào nó cũng có những nhu cầu nhìn nhận một vấn đề đa chiều. Tự thân xã hội nó là đa chiều, chỉ có điều trong phòng học điều đó chưa diễn ra. Nó diễn ra ở chỗ khác thì đôi khi không kiểm soát được.

Đa phần, những sinh viên năng động tham gia nghiên cứu, tham gia vào các trung tâm hay câu lạc bộ thì kỹ năng và tư duy phản biện tốt hơn. Nhưng quan trọng là tư duy phản biện phải được định hướng đúng đắn và hợp lý.

Kỹ năng ngoại ngữ

Học ngoại ngữ không phải con đường duy nhất để trở thành một người hành nghề luật thành công; nhưng có kỹ năng ngoại ngữ tốt chắc chắn sẽ tạo ra nhiều cơ hội thành công hơn cho sinh viên luật.

Nếu học không tốt ngoại ngữ sẽ khiến sinh viên luật mệt nhoài trong các kỳ thi có liên quan đến ngoại ngữ, khó khăn trong việc xin học bổng. Hơn thế nữa, đó sẽ là những khó khăn trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài.

Nếu học không tốt ngoại ngữ sẽ khiến sinh viên Luật mệt nhoài trong các kì thi

Tạo dựng quan hệ xã hội

Chưa có kinh nghiệm cũng như vốn kiến thức xã hội đầy đủ nên phần đồng sinh viên luật ít có những mối quan hệ.

Đừng hiểu nhầm quan hệ xã hội là để sử dụng trong việc “chạy án” hay “lo lót”. Nó là yếu tố quan trọng khi hành nghề. Nhất là đối với nghề luật sư.

Hiểu rõ được sở trường và sở đoản của bản thân sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc phát huy điểm mạnh và khắc phục điểm yếu, đối với người Luật sư cũng không là ngoại lệ. Từ những yếu điểm được kể ra ở trên, tin chắc rằng bạn sẽ tìm được hướng thay đổi để bản thân hoàn thiện hơn trong tương lai cũng như thực hiện được giấc mơ trở thành một luật sư giỏi.

Bình luận ở “Đâu là điểm yếu của sinh viên ngành Luật?

  1. Pingback: Những điều sinh viên ngành Luật cần biết | Ngành Luật

Đã đóng bình luận