Tin tức
Những ngộ nhận khi chọn ngành Luật
Ngành Luật ngày càng được phổ biến rộng rãi trong xã hội về vai trò, cơ hội… thông qua nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên; có lẽ chính sự phổ biến đại trà đó đã khiến nhiều thông tin không được kiểm chứng, dẫn đến những ngộ nhận khi chọn ngành Luật của các bạn thí sinh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có một cái nhìn toàn cảnh về ngành Luật.
Chọn ngành Luật để cứu người
Đúng là một trong những mục đích chính của ngành Luật là cứu những người đang gặp phải những vấn đề pháp lý trong cuộc sống dẫn đến phải hầu tòa nhưng bạn nên nhớ rằng không phải ai trở thành luật sư cũng đều phải ra sức cứu người trong những hoàn cảnh như vậy.
Chẳng hạn; có những luật sư làm việc cho doanh nghiệp với vai trò là luật sư nội bộ với công việc hằng ngày của họ chỉ đơn thuần là tư vấn cho các chủ doanh nghiệp cách thức tuân thủ quy định của pháp luật. Hay có những luật sư, dù là một luật sư chuyên nghiệp, nhưng họ chỉ chuyên tư vấn pháp luật chứ họ không ra tòa hay trung tâm trọng tài với tư cách là luật sư biện hộ cho khách hàng.
Do đó, bạn đừng lầm tưởng về điều này để rồi khi đã dày công cố gắng trở thành luật sư nhưng vì một hoàn cảnh thực tế nào đó bạn lại phải làm một công việc trái nghề khác như trên thì bạn có thể sẽ cảm thấy bị hụt hẫng, mất phương hướng và điều đó ít nhiều sẽ làm tổn hại đến niềm đam mê đối với nghề luật sư của bạn.
Làm luật sư sẽ giỏi thuộc lòng
Xin đừng ngộ nhận rằng luật sư là người có trí óc siêu phàm, giỏi thuộc lòng các văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế; mỗi luật sư thường chỉ có thế mạnh trong một vài lĩnh vực pháp luật nào đó và họ thường dành nhiều thời gian cho việc đọc và nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có liên quan đến các lĩnh vực pháp luật đó để phục vụ cho công việc hành nghề của họ. Vì thế, họ sẽ nhớ khá kỹ một số điều khoản quan trọng của các văn bản đó rồi từ đó suy ra các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác.
Ngoài ra, trước khi ra tòa hay trung tâm trọng tài, ghi hình phỏng vấn, viết báo, trả lời pháp luật, họ thường dành ra khá nhiều thời gian để tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để trích dẫn cho phù hợp khi cần cho nên khi bạn thấy họ trích dẫn một cách lưu loát các quy định của pháp luật thì bạn bị nhầm tưởng rằng họ đã thuộc lòng mọi tài liệu đó.
Làm luật sư sẽ cãi giỏi
Bạn cần lưu ý rằng không phải ai là luật sư cũng đều ra tòa hay trung tâm trọng tài để tranh tụng bảo vệ cho khách hàng; bởi lẽ, cũng có người chỉ làm luật sư tư vấn cho các công ty luật hay làm luật sư nội bộ trong doanh nghiệp,… mà những công việc đó thì lại không cần họ phải tranh cãi giỏi.
Thêm vào đó, giả sử bạn là luật sư tranh tụng và phải ra tòa, trung tâm trọng tài thì bạn cũng cần nhớ rằng luật sư cãi ở đây là cãi lý với mục đích thuyết phục những người khác đồng ý với lập luận pháp lý chặt chẽ và logic của mình dựa trên các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bằng chứng thu thập được và sự phân tích pháp lý rõ ràng cũng như cách trình bày mang tính thuyết phục chứ không phải là hùng hổ cố cãi cho bằng được mà không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào.
Chọn ngành Luật để làm giàu
Có thể bạn đã thấy một số luật sư rất nổi tiếng trên báo chí, truyền hình qua các vụ án đình đám, họ có công ty luật riêng, có nhà to, được mời làm luật sư đại diện cho khách hàng là các công ty đại chúng hay tập đoàn lớn, được mời trình bày, diễn thuyết ở nhiều diễn đàn, hội thảo chuyên đề pháp luật,… nhưng chung quy lại; luật sư vẫn chỉ được xem là người làm công việc chuyên môn và công ty luật của họ chỉ là nhà cung cấp dịch vụ pháp lý.
Bạn cũng cẩn biết rằng số lượng luật sư chính thức ở Việt Nam hiện được cho là khá nhiều và trong số những luật sư chính thức đó có không ít người chỉ có mức thu nhập trung bình, thậm chí là thu nhập thấp và phải làm những công việc không đúng chuyên môn hoặc phải làm thêm một số công việc trái nghề khác để có thể có được mức thu nhập ổn định. Vì vậy, bạn đừng chỉ nhìn vào một nhóm nhỏ các luật sư thành đạt để kết luận rằng nghề luật sư luôn mang lại vinh quang, phú quý cho những người làm nghề này.
Chọn ngành Luật để trở thành nhà lãnh đạo
Đúng là hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, có khá nhiều nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị là luật sư hay là người đã từng học chuyên ngành Luật và cũng có khá nhiều nguyên thủ quốc gia có xuất thần từ nghề luật sư chẳng hạn như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nguyên thủ tướng Anh Margaret Thatcher, nguyên Thủ tướng Anh Tony Blair,…
Tại Việt Nam, một số nhà lãnh đạo cấp Nhà nước của chúng ta cũng có bằng đại học Luật. Tuy nhiên, xin bạn đừng ngộ nhận rằng cứ làm luật sư thì bạn sẽ có nhiều khả năng trở thành người có chức vị cao trong bộ máy Nhà nước. Hằng năm, ở Việt Nam có hàng nghìn cử nhân ngành Luật ra trường từ các trường đại học có uy tín và cũng có đến vài nghìn cử nhân ngành Luật được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để trở thành những luật sư chính thức và vi thế cơ hội để bạn trở thành nhà lãnh đạo của một trong các cơ quan quản lý Nhà nước nào đó là không cao ngoại trừ một số ngoại lệ nào đó.
Lầm tưởng về ngành Luật càng lớn càng dễ dẫn đến những hậu quả tai hại; do đó nếu bạn thực sự yêu thích công việc ngành Luật sư thì hãy tìm hiểu về nó thật kỹ; trách vấp phải những ngộ nhận khi chọn ngành Luật.