Cơ hội nghề nghiệp
Sinh viên Luật có được tham gia bào chữa tại phiên tòa?
Học luật và trở thành luật sư, được quyền tham gia bào chữa tại các phiên tòa là mong ước của không ít bạn thí sinh. Nhưng sinh viên Luật có được tham gia bào chữa không hay chỉ có Luật sư mới có quyền này hẳn là thắc mắc của không ít sinh viên ngành Luật. Bạn biết không, theo Pháp luật quy định thì ngoài Luật sư ra thì có một số chủ thể khác được phép tham gia bào chữa được gọi chung là Người bào chữa.
-
Người bào chữa là ai?
1.1. Đối với Phiên tòa Hình sự
Theo Khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Theo Khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì người bào chữa thuộc các đối tượng sau:
– Luật sư;
– Người đại diện của người bị buộc tội;
– Bào chữa viên nhân dân;
– Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Điều kiện đối với các đối tượng tham gia bào chữa
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 72 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Điều 10, Điều 11 Luật Luật sư 2006; Điều 19 Luật trợ giúp pháp lý 2017, thì các cá nhân trên muốn trở thành người bào chữa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
Đối tượng | Tiêu chuẩn |
Luật sư | – Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có bằng cử nhân luật; – Đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm để hành nghề luật sư, có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. |
Người đại diện | Người đại diện của người bị buộc tội |
Bào chữa viên nhân dân | – Là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên;
– Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao; – Được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình. |
Trợ giúp viên pháp lý | Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
– Có phẩm chất đạo đức tốt; – Có trình độ cử nhân luật trở lên; – Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý; – Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý; – Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật. |
1.2. Đối với Phiên tòa dân sự
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 75 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể là:
- Luật sư tham gia tố tụng;
- Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý;
- Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Các đối tượng như Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, người tham gia trợ giúp pháp lý cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đã liệt kê đối với bên Phiên toàn hình sự ở trên.
-
Sinh viên Luật có thể làm người bào chữa được không?
Sinh viên có tham gia bào chữa tại phiên tòa được không?
Theo những thông tin được cung cấp ở trên thì sinh viên Luật đều có thể tham gia bào chữa tại tòa, cụ thể như sau:
– Đối với Phiên tòa Hình sự: Như đã nói ở trên Người bào chữa có 4 đối tượng. Tuy nhiên Luật sư, và trợ giúp viên pháp lý đều đòi hỏi phải có bằng cử nhân Luật, do đó, nếu được tham gia, sinh viên Luật sẽ tham gia với 2 vai trò là Người đại diện của người bị buộc tội và Bào chữa viên nhân dân. Trong thực tế, ít gặp trường hợp sinh viên Luật đóng vai trò là Bào chữa viên nhân dân, nên thường ta sẽ gặp trường hợp sinh viên Luật bào chữa với tư cách là Người đại diện của người bị buộc tội.
– Đối với Phiên tòa Dân sự: Các đối tượng Luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, Người tham gia trợ giúp pháp lý phải có bằng Cử nhân Luật, sinh viên Luật có thể tham gia bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự với tư cách là Người đại diện của Tổ chức đại diện Tập thể lao động hoặc tư cách Công dân Việt Nam thỏa mãn các tiêu chí của điểm d trong mục 1.2 nói trên.
Tóm lại, sinh viên Luật đều có thể tham gia phiên Tòa Dân sự và phiên Tòa Hình sự với tư cách tương ứng là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người bào chữa cho người bị buộc tội.
Pingback: Khi sinh viên Luật thực tập tại công ty Luật | Ngành Luật